Thứ Năm, 15 tháng 5, 2008

Hoa Đạo

Bài này được viết để tặng một người bạn và cũng để tìm sự thanh thản cho chính bản thân, các bạn có thể tham khảo nhưng xin vui lòng đùng copy lại nhé! Cảm ơn.









Nhật Bản là một quốc gia phương Đông, vì thế chịu ảnh hưởng nhiều bởi Phật giáo Thiền tông ( Zen ) từ Trung quốc du nhập vào. Nghệ thuật cắm hoa Nhật bản ( IKEBANA ) cũng thế, Ikebana không chỉ đơn thuần là thuật cắm hoa mà còn ẩn chứa bên trong biết bao kiến thức về Phật Giáo, về vũ trụ…Chính vì thế, nghệ thuật cắm hoa của Nhật còn được gọi là Hoa Đạo, tức là sự hòa quyện giữa nghệ thuật và Đạo của người Nhật Bản. Trong nghệ thuật – đạo, kỹ thuật được nâng lên thành nghệ thuật và cuối cùng trở thành con đường tu tâm dưỡng tính.

Khi Phật giáo bắt đầu du nhập vào nứơc này, hoa chủ yếu được dùng để cúng Phật. Người ta chưng cùng 1 loại hoa hay có thể nhiều loại hoa khác nhau nhưng cùng chung một nguyên tắc: các bông hoa đều vươn lên theo trục gọi là Rikka hay Tattebana. Dần dần, người ta dùng những bông hoa thấp hơn nhưng bố cục chính vẫn theo kiểu Rikka. Đến thế kỷ XV, trường phái cắm hoa theo bố cục tự nhiên ( Mageire ) hình thành, phương pháp này cho phép tỉa bớt những cành lá thừa nhưng phải theo nguyên tắc các cành không được nương tựa vào nhau, tự đứng một cách tự nhiên.

Đến thế kỷ 20, xuất hiện một phương pháp cắm hoa mới ảnh hưởng bởi văn hóa Phương Tây đó là phương pháp Moribana. Kiểu này thích hợp với lối kiến trúc Phương tây, sử dụng các loại bình đáy phẳng, miệng thấp, phương pháp này hòan thiện được những khiếm khuyết của Rikka và Mageire, mô phỏng được những cảnh quan thiên nhiên của Nhật bản nên thành công hơn.

Tất cả các phương pháp cắm hoa trên tuy khác nhau về hình thức, cách thể hiện nhưng vẫn ẩn chứa và thấm đượm hương vị Thiền Nhật Bản. tất cả đều lấy đường nét làm căn bản, cấu trúc theo nguyên tắc: THIÊN – ĐỊA-NHÂN.




Cành chính chỉ Trời phải đảm bảo độ vững chải, bề cao được tính theo công thức: chiều cao của bình + 1,5 đường kính miệng bình. Cành thứ 2 kế bên tượng trưng cho Người, được cắm ở tư thế gợi cảm và bằng 2/3 cành Trời. cành còn lại là Đất, chiều cao bằng 2/3 cành người và được cắm ở hướng ngược lại với cành người.





Bình hoa đối với người Nhật Bản không chỉ đơn thuần là vật trang trí mà bao giờ nó cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa. Nó thể hiện tâm trạng, thời gian, khả năng đối nhân xử thế…Giống như con người, quan niệm Nhật Bản cho rằng mỗi bông hoa có một cuộc đời riêng của nó, cái đẹp nhất, thanh tao nhất của Hoa Đạo chính là triết lý Phật giáo “ Sinh – Trụ - Họai – Diệt “. Hoa cũng như con người, sinh ra, lớn lên tồn tại trên cuộc đời, bệnh tật sẽ hủy họai con người và cuối cùng là diệt vong. Cái đẹp chính là ở chổ cảm nhận được sự thay đổi của cuộc đời, bình thản thưởng thức chu kì tuần hòan, qui luật của tạo hóa mà vạn vật không ai tránh khỏi. Chính vì những ý nghĩa sâu xa như trên, Nhật Bản không dùng những bông hoa rực rỡ khoe sắc mà luôn dùng những chồi hoa, sử dụng hoa quí cũng như hoa dại “ Nhất thiết bình đẳng “.

Không có nhận xét nào: