Thứ Ba, 22 tháng 4, 2008

Tố chất người làm báo

Tố chất văn hóa biểu hiện trong công việc hằng ngày bằng đạo đức nghề nghiệp. Quy ước đạo đức là sự đúc kết những yêu cầu về tố chất văn hóa mà xã hội đòi hỏi ở người cầm bút. Cụm từ “có văn hóa” tự nó bao hàm nội dung “có đạo đức”… Báo chí là phương tiện lợi hại góp phần xây dựng và phát huy văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Có hai việc nổi bật báo chí ta đã và đang cống hiến vào sự nghiệp ấy: cổ vũ, nêu gương, quảng bá đời sống tinh thần văn minh, lành mạnh; và tiếp thu, gạn lọc, truyền thụ tinh hoa văn hóa nước ngoài, làm giàu văn hóa dân tộc. Xét từ một góc độ khác, bản thân báo chí là bộ phận cấu thành văn hóa dân tộc. Không thể diễn tả đúng bản chất, đặc sắc, độ dày, chiều sâu văn hóa của một quốc gia mà không đề cập vai trò, cống hiến cũng như bản lĩnh, đặc thù của báo chí quốc gia ấy.
Với ý nghĩa kép đó, người làm báo là người làm văn hóa. Về bản chất, nhà báo là nhà văn hóa. Dĩ nhiên không mấy người làm báo dám tự nhận như vậy; xưa nay những ai biết mình, biết người ít khi mạo xưng, mạo nhận. Người xưa dạy: “Hữu xạ tự nhiên hương”. Mặc dù vậy, có nói ra hay không, trách nhiệm tinh thần của nhà báo với tư chất nhà văn hóa vẫn luôn hiện hữu đó. Nói nhà báo – nhà văn hóa là nhấn mạnh hàm lượng về tố chất văn hóa của người cầm bút. Tố chất ấy, không phải muốn là có. Chẳng ai có thể làm ra vẻ mình có văn hóa khi chưa hội đủ các điều kiện. Không có bột sao gột nên hồ. Chất “bột” ở đây là căn bản văn hóa thâm hậu – văn hóa hiểu vớinghĩa nhân văn cao cả, chứ không đơn thuần biểu hiện bằng học vị, kiến thức, tài hoa, sự nghiệp – cho dù đấy là những phẩm cách không thể thiếu ở nhà văn hóa. Căn bản văn hóa không phải tư chất bẩm sinh. Nó phản ánh truyền thống văn hiến và chất lượng giáo dục mà con người hưởng thụ từ xã hội, gia đình. Nó là kết quả công phu khiêm tốn học tập, cần mẫn tích lũy và kiên trì rèn luyện. Nhà báo quen ăn đong, ở xổi sẽ chẳng bao giờ có nổi căn bản văn hóa thâm hậu đích thực.
Tố chất văn hóa của người làm báo thể hiện chủ yếu ở nếp sống, ở cách hành xử hàng ngày đối với Tổ quốc, xã hội, gia đình, đồng bào, đồng nghiệp… Vì nhu cầu nghề nghiệp, người làm báo hòa nhập vào giới thượng lưu, trí thức, chính khách mà không lấy thế làm sang; sống chung với lớp người bị coi là hạ đẳng trong xã hội mà vẫn biết quý trọng nhân cách của họ và biết giữ mình, không để tiêm nhiễm những thói hư, nếp xấu thường tình. Người làm báo nhẹ nhàng lên tuyến lửa cùng anh chiến sĩ xung kích, lòng không mảy may ngần ngại lát nữa có thể mình sẽ nằm lại vĩnh viễn nơi đây – trong lịch sử báo chí Việt Nam thiếu chi những tấm gương tuyệt vời như vậy – nhưng lại dễ tuôn nước mắt trước cảnh người đàn bà bất hạnh, khi nhìn em bé côi cút bệnh tật trong túp lều tranh… Nói cách khác, tố chất văn hóa của người làm báo bộc lộ qua cuộc sống thực của con người giữa đời thường. Một thái độ vô cảm trước nỗi đau người khác, một lối sống làm ra vẻ hào hoa phong nhã song về nhà thường giở thói côn đồ với vợ con, một cuộc đời mải mê chạy theo đồng tiền, theo cái danh hão mà sẵn sàng bon chen, ra tay huỷ diệt không tiếc thương bạn bè, đồng nghiệp, thì cho dù những câu anh viết ra cao thượng, hào nhoáng đến đâu, rốt cuộc vẫn không thể che đậy bản chất anh là một người thiếu văn hóa. Người xưa nói: “Nghề báo có thể đưa anh đến bất kỳ đâu, miễn là anh biết dừng lại”.
Tố chất văn hóa biểu hiện trong công việc hằng ngày bằng đạo đức nghề nghiệp. Quy ước đạo đức là sự đúc kết những yêu cầu về tố chất văn hóa mà xã hội đòi hỏi ở người cầm bút. Cụm từ “có văn hóa” tự nó bao hàm nội dung “có đạo đức”. Tố chất văn hóa của nhà thể hiện ở phong cách làm việc nghiêm túc, trung thực, rộng lượng với người khác, nghiêm khắc với bản thân; sẵn sàng “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” song luôn luôn thận trọng, cân nhắc khi xử lý công việc. Mà cái làm chuẩn mực cho sự cân nhắc, không gì khác lợi ích quốc gia. Lao động cần cù, có lương tâm là biểu hiện tố chất văn hóa của con người.
Sau tất cả mọi thứ, cuối cùng tố chất văn hóa mới thể hiện lên trang báo, qua làn sóng của đài. Tuy nhiên chớ nên đồng nhất cấp độ hay dở của tác phẩm với tố chất văn hóa của người làm nên tác phẩm ấy, hoặc tách rời hai giá trị, cho dù chúng có những nét tương đồng. Tố chất văn hóa thể hiện qua chất lượng tự thân của tác phẩm chứ không phải qua những tiểu xảo kỹ thuật, uốn éo văn chương. Một bài báo hay, một khuôn hình đẹp riêng biệt, tự nó chưa đủ nói lên tố chất văn hóa của tác giả. Tố chất văn hóa đời thường mà không tầm thường. Tác phẩm mang tố chất văn hóa quý trọng con người, nâng con người lên chứ không hạ thấp con người.
Tố chất văn hóa rốt cuộc biểu hiện bằng tác động xã hội của từng tác phẩm và của cả đời người. Hiệu quả của nhiều tác phẩm cộng lại, cống hiến của cả đời lao động cần cù dồn lại, cuối cùng khắc họa nên nhân cách người cầm bút.

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2008

Tìm nguồn tin và ý tưởng

Tìm nguồn tin và ý tưởng để viết bài Thông thường tin tức diễn ra ngay bên ngoài cửa sổ của chúng ta: một tòa nhà bốc cháy, cảnh sát bắt kẻ gian, lụt lội trên đường phố sau những trận mưa lớn. Tuy nhiên, nhiều tin không rõ rệt như vậy. Bạn không nên ngồi chờ cho các diễn biến xẩy ra, hay chờ chủ biên giao cho bạn công việc. Bạn nên tự mình nghĩ ra các ý tưởng để viết bài. Bạn có thể tìm ý bằng cách thường xuyên liên lạc với các cơ quan thông tin của chính phủ hay các bộ ngành. Một số các cơ quan công bố lịch trình hoạt động trong ngày.
Một số các thông cáo báo chí có thể là nguồn gốc để viết các tin hay. Mốt số tin do các tổ chức phi chính phủ hay các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc đưa ra. Những thông cáo khác do các doanh nghiệp, trường học, v.v.. phổ biến. Các chính phủ và tổ chức khác cũng thường xuyên phổ biến các thông cáo, tài liệu và các bản báo cáo. Các phóng viên giỏi biết tính trước. Bạn nên tìm hiểu thật kỹ càng để hiểu biết về các đề tài hay cơ cấu tổ chức mà bạn viết bài. Làm sao để chắc chắn rằng bạn biết sẽ xẩy ra sự kiện nào kế tiếp. Hãy chuẩn bị sẵn sàng các tin tức về bối cảnh thông tin dữ liệu bạn cần đến khi quốc hội thông qua một đạo luật mới về đầu tư, hay khi ngân hàng trung ương loan báo cắt giảm lãi xuất một lần nữa. Các bạn cũng có thể lấy ý tưởng bằng cách đọc các báo khác, nghe radio và xem TV. Hãy để ý đếncác câu hỏi mà các phương tiện truyền thông khác chưa giải đáp. Tìm một khía cạnh mới cho câu chuyện.
Một số các phóng viên đọc các tạp chí định kỳ về kỹ thuật để tìm hiểu về các tiến triển trong lĩnh vực họ quan tâm để viết tin. Một phóng viên viết về môi trường có thể đọc tờ Watershed, một tập san chuyên về các vấn đề môi trường tại Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Hãy tự trau dồi kiến thức càng nhiều càng tốt về các vấn đề bạn viết. Khi bạn học đựơc điều gì mới, bạn có thể chia sẻ với độc giả của bạn.
Tại Campuchia, nhiều phóng viên đọc bản tin hàng tháng của Quốc Vương Norodom Sihanouk. Trong bản tin, Quốc Vương cho biết ý kiến của ngài về nhiều vấn đề, chẳng hạn như các phiên tòa xử Khmer đỏ hay các vấn đề của nông dân nghèo. Các ý kiến này đôi khi là tài liệu tốt để viết bài. Bạn cũng có thể tìm đựơc ý viết bài bằng cách nói chuyện với người khác-tại nhà, nơi chợ búa hay tiệc tùng. Người ta nói chuyện về những gì? Các ý kiến và những mối quan tâm của họ có thể là nền tảng để viết bài. Bạn cũng có thể tìm ra biết bao nhiêu ý nhờ quan sát. Lần tới trên đường đi làm, bạn nên để ý xem có tòa nhà nào mới, trông có vẻ hay hay, đang bắt đầu được xây. Gọi điện thọai cho cơ quan cấp giấy phép xây dựng của thành phố để hỏi thêm. Có thể bạn sẽ biết được đó là một viện bảo tàng hay một rạp xi nê mới lạ. Đó là chuyện mà nhiều người trong thành phố muốn đọc.
Có nhiều nguồn tin, nhưng là nguồn tin tốt. Qua những người khác bạn có thể tìm ý để viết bài. Họ cũng cho bạn các thông tin bạn cần để viết bài. Nhưng điều quan trọng là các nguồn tin đó phải tốt. Bạn phải chắc chắn là bạn có các nguồn tin chính xác và khách quan hoặc các tin trung lập. Liệu những tin họ cung cấp cho bạn trước đây có đúng hay không? Những người khác có tin tưởng vào các nguồn tin đó hay không? Liệu họ có ở vào địa vị để biết về những điều họ nói đến hay không? Họ có lý do gì để nói dối bạn hay không? Bạn cũng cần phải có các nguồn tin chuyên môn về một số vấn đề nào đó. Kể cả các chuyên gia kinh tế. Nếu bạn viết về một tin kinh tế mà không hiểu các từ chuyên môn, bạn có thể điện thoại hỏi họ. Để gây dựng các nguồn tin tốt, bạn cần phải nói chuyện với mọi người thường xuyên, bằng cách gặp tận mặt hay qua điện thọai. Khi họ đã biết bạn rồi, họ sẽ tin bạn. Và bạn cũng sẽ biết có tin được họ hay không.
Một số phóng viên thường làm quen và giao thiệp với các viên chức cấp trung tại các cơ quan họ quan tâm để viết bài. Đây là những người thường nắm được những gì đang xẩy ra. Các thư ký cũng có thể là những nguồn tin tốt vì họ biết các viên chức làm gì. Họ cũng có thể dàn xếp để bạn phỏng vấn các viên chức đó. Phóng viên giỏi viết bài dựa vào tin tức do nhiều nguồn tin cung cấp. Khi một nguồn tin cho bạn một thông tin nào đó, bạn hãy kiểm tra lại với những nguồn tin khác để chắc chắn rằng tin đó đúng. Hoặc bạn nên yêu cầu những nguồn tin khác nhận xét hay bình luận để bạn có thể viết bài một cách hoàn hảo hơn. Không nên chỉ trích riêng lời các viên chức chính phủ. Hãy nói chuyện với các chuyên gia, chẳng hạn như với các nhân viên thuộc các tổ chức phi chính phủ hay các giáo sư đại học. Hãy nói chuyện với những người dân thường mà các sự kiện đó ảnh hưởng tới họ. Thường xuyên liên lạc với các nguồn tin của bạn để biết xem những gì đang xẩy ra. Dưới đây là một số những nguồn tin cho các phóng viên tại Đông Nam á:
Thông cáo báo chí
Các cơ quan chính phủ
Cảnh sát và nhà thương
Các tổ chức quốc tế
Các nhà ngọai giao
Các Tổ chức phi chính phủ.
Các doanh nghiệp và hiệp hội nghiệp vụ
Trường học
Thư thông tin, tạp chí, nhật báo, Internet
Các bản tin địa phương và quốc tế trên TV và Radio
Người dân chỗ chợ búa.
Giữ một danh sách nguồn tin Lưu giữ một danh sách các nguồn tin được sắp xếp gọn gàng nơi bàn giấy của bạn ở phòng tin là điều hết sức quan trọng. Luôn luôn xin danh thiếp của người cung cấp tin cho bạn. Xếp danh thiếp này vào một chiếc hộp trên bàn của bạn. Cùng lúc, bạn nên giữ sẵn một cuốn niên giám điện thoại và các sổ ghi số điện thọai của chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ. Thường thường bạn phải gọi điện ngay lập tức cho một người nào đó. Bạn không có đủ thì giờ để đi tìm tên người đó ở những chỗ khác.
( Sưu tầm từ wikipedia )