Thứ Ba, 22 tháng 4, 2008

Tố chất người làm báo

Tố chất văn hóa biểu hiện trong công việc hằng ngày bằng đạo đức nghề nghiệp. Quy ước đạo đức là sự đúc kết những yêu cầu về tố chất văn hóa mà xã hội đòi hỏi ở người cầm bút. Cụm từ “có văn hóa” tự nó bao hàm nội dung “có đạo đức”… Báo chí là phương tiện lợi hại góp phần xây dựng và phát huy văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Có hai việc nổi bật báo chí ta đã và đang cống hiến vào sự nghiệp ấy: cổ vũ, nêu gương, quảng bá đời sống tinh thần văn minh, lành mạnh; và tiếp thu, gạn lọc, truyền thụ tinh hoa văn hóa nước ngoài, làm giàu văn hóa dân tộc. Xét từ một góc độ khác, bản thân báo chí là bộ phận cấu thành văn hóa dân tộc. Không thể diễn tả đúng bản chất, đặc sắc, độ dày, chiều sâu văn hóa của một quốc gia mà không đề cập vai trò, cống hiến cũng như bản lĩnh, đặc thù của báo chí quốc gia ấy.
Với ý nghĩa kép đó, người làm báo là người làm văn hóa. Về bản chất, nhà báo là nhà văn hóa. Dĩ nhiên không mấy người làm báo dám tự nhận như vậy; xưa nay những ai biết mình, biết người ít khi mạo xưng, mạo nhận. Người xưa dạy: “Hữu xạ tự nhiên hương”. Mặc dù vậy, có nói ra hay không, trách nhiệm tinh thần của nhà báo với tư chất nhà văn hóa vẫn luôn hiện hữu đó. Nói nhà báo – nhà văn hóa là nhấn mạnh hàm lượng về tố chất văn hóa của người cầm bút. Tố chất ấy, không phải muốn là có. Chẳng ai có thể làm ra vẻ mình có văn hóa khi chưa hội đủ các điều kiện. Không có bột sao gột nên hồ. Chất “bột” ở đây là căn bản văn hóa thâm hậu – văn hóa hiểu vớinghĩa nhân văn cao cả, chứ không đơn thuần biểu hiện bằng học vị, kiến thức, tài hoa, sự nghiệp – cho dù đấy là những phẩm cách không thể thiếu ở nhà văn hóa. Căn bản văn hóa không phải tư chất bẩm sinh. Nó phản ánh truyền thống văn hiến và chất lượng giáo dục mà con người hưởng thụ từ xã hội, gia đình. Nó là kết quả công phu khiêm tốn học tập, cần mẫn tích lũy và kiên trì rèn luyện. Nhà báo quen ăn đong, ở xổi sẽ chẳng bao giờ có nổi căn bản văn hóa thâm hậu đích thực.
Tố chất văn hóa của người làm báo thể hiện chủ yếu ở nếp sống, ở cách hành xử hàng ngày đối với Tổ quốc, xã hội, gia đình, đồng bào, đồng nghiệp… Vì nhu cầu nghề nghiệp, người làm báo hòa nhập vào giới thượng lưu, trí thức, chính khách mà không lấy thế làm sang; sống chung với lớp người bị coi là hạ đẳng trong xã hội mà vẫn biết quý trọng nhân cách của họ và biết giữ mình, không để tiêm nhiễm những thói hư, nếp xấu thường tình. Người làm báo nhẹ nhàng lên tuyến lửa cùng anh chiến sĩ xung kích, lòng không mảy may ngần ngại lát nữa có thể mình sẽ nằm lại vĩnh viễn nơi đây – trong lịch sử báo chí Việt Nam thiếu chi những tấm gương tuyệt vời như vậy – nhưng lại dễ tuôn nước mắt trước cảnh người đàn bà bất hạnh, khi nhìn em bé côi cút bệnh tật trong túp lều tranh… Nói cách khác, tố chất văn hóa của người làm báo bộc lộ qua cuộc sống thực của con người giữa đời thường. Một thái độ vô cảm trước nỗi đau người khác, một lối sống làm ra vẻ hào hoa phong nhã song về nhà thường giở thói côn đồ với vợ con, một cuộc đời mải mê chạy theo đồng tiền, theo cái danh hão mà sẵn sàng bon chen, ra tay huỷ diệt không tiếc thương bạn bè, đồng nghiệp, thì cho dù những câu anh viết ra cao thượng, hào nhoáng đến đâu, rốt cuộc vẫn không thể che đậy bản chất anh là một người thiếu văn hóa. Người xưa nói: “Nghề báo có thể đưa anh đến bất kỳ đâu, miễn là anh biết dừng lại”.
Tố chất văn hóa biểu hiện trong công việc hằng ngày bằng đạo đức nghề nghiệp. Quy ước đạo đức là sự đúc kết những yêu cầu về tố chất văn hóa mà xã hội đòi hỏi ở người cầm bút. Cụm từ “có văn hóa” tự nó bao hàm nội dung “có đạo đức”. Tố chất văn hóa của nhà thể hiện ở phong cách làm việc nghiêm túc, trung thực, rộng lượng với người khác, nghiêm khắc với bản thân; sẵn sàng “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” song luôn luôn thận trọng, cân nhắc khi xử lý công việc. Mà cái làm chuẩn mực cho sự cân nhắc, không gì khác lợi ích quốc gia. Lao động cần cù, có lương tâm là biểu hiện tố chất văn hóa của con người.
Sau tất cả mọi thứ, cuối cùng tố chất văn hóa mới thể hiện lên trang báo, qua làn sóng của đài. Tuy nhiên chớ nên đồng nhất cấp độ hay dở của tác phẩm với tố chất văn hóa của người làm nên tác phẩm ấy, hoặc tách rời hai giá trị, cho dù chúng có những nét tương đồng. Tố chất văn hóa thể hiện qua chất lượng tự thân của tác phẩm chứ không phải qua những tiểu xảo kỹ thuật, uốn éo văn chương. Một bài báo hay, một khuôn hình đẹp riêng biệt, tự nó chưa đủ nói lên tố chất văn hóa của tác giả. Tố chất văn hóa đời thường mà không tầm thường. Tác phẩm mang tố chất văn hóa quý trọng con người, nâng con người lên chứ không hạ thấp con người.
Tố chất văn hóa rốt cuộc biểu hiện bằng tác động xã hội của từng tác phẩm và của cả đời người. Hiệu quả của nhiều tác phẩm cộng lại, cống hiến của cả đời lao động cần cù dồn lại, cuối cùng khắc họa nên nhân cách người cầm bút.

Không có nhận xét nào: