Thứ Tư, 11 tháng 3, 2009

Dạy tại chức - dễ hay khó

Xã hội không ngừng vận động và phát triển, kiến thức nhân lọai liên tục được cập nhật nhanh chóng. Nhu cầu học của con người là không giới hạn, học để làm việc, học để nâng cao kiến thức, học để phục vụ công tác, học để nghiên cứu, học vì thích….

Trước đây, do thiếu nguồn nhân lực trầm trọng cho công cuộc xây dựng đất nước nên nhà nước quyết định tập trung cho giáo dục, xã hội hóa giáo dục. Các hình thức học lần lượt được ra đời như: chuyên tu, tại chức…. Mục đích của việc mở rộng hình thức đào tạo lúc bấy giờ là nhanh chóng có được một đội ngũ tri thức để phục vụ đất nước. Chất lượng đào tạo của những hình thức này không nói ra thì ai cũng biết. Người ta từng nhận định “ dốt như chuyên tu, ngu như tại chức “. Nhưng ngày nay, nhu cầu xã hội có những đòi hỏi cao hơn, nhận thấy khái niệm tại chức xem ra không còn hợp thời nữa nên hình thức tại chức được mang một cái tên mới phù hợp hơn “ VỪA HỌC VỪA LÀM”.

Trên thực tế, hầu hết những người theo học đại học hình thức học “ vừa học vừa làm “ (VHVL) là những người đã có một công việc ổn định. Việc học chỉ là để hợp thức hóa, hay học để thay đổi công việc. Một số ít trong số những người học di học vì muốn nâng cao trình độ, tím hiểu sâu hơn về công việc mà mình đang làm. Một số bạn trẻ vì muốn tranh thủ thời gian cũng đã chọn hình thức VHVL để trang bị hành trang kiến thức cho mình. Từ nhu cầu rất lớn của người học, các trường có đủ điều kiện thi nhau mở các lớp đào tạo theo hình thức này. Đầu vào có nơi nghiêm túc, có nơi dễ dãi, chủ yếu đủ sĩ số để mở lớp theo qui định. Có thể vấn đề đầu vào đầu ra không là yếu tố quan trọng, cái làm chúng ta quan tâm chính là chất lượng dạy và học của VHVL.

Nói một cách chính xác, trên thực tế, về phía người học, có không ít học viên vẫn quan niệm học VHVL là một hình thức bỏ tiền để mua bằng. Tuy nhiên, đa số học viên nhận thức rõ việc học là để trang bị kiến thức cho chính mình, họ bỏ tiền và thời gian để nhận lấy cái họ cần được học, cái họ thiếu và chưa biết. Trong một dịp tình cờ, một học viên trẻ tuổi đi cùng thang máy với một giảng viên cũng rất trẻ tuổi, câu chuyện về VHVL được mở ra khi giàng viên nọ trao đổi quan niệm với đồng nghiệp về lớp VHVL: cái đám tại chức này…nói làm gì. Phải chăng, chất lượng của hệ đào tạo VHVL không hòan tòan phụ thuộc vào học viên? Đã đến lúc cần nhìn lại cách dạy và học của hệ đào tạo này.

Học viên lớp XHH hệ VHVL trường ĐH KHXH&NV chia sẻ “có những giảng viên trẻ được đào tạo từ nước ngòai trở về hẳn hoi, nhưng khi họ đứng lớp anh cảm nhận có một điều gì đấy chưa ổn. cái chưa ổn đó chưa hẳn đã là kiến thức của người dạy, mà hình như từ chính tư tưởng của người dạy. Điều này chỉ có ở những giảng viên trẻ tuổi. Họ truyền đạt kiến thức không phải vì cái tâm mà vì chính bản thân, đi dạy vì thích làm thầy hòan tòan khác đi dạy để được người khác nhìn nhận là thầy. “

Hầu hết các học viên VHVL đều có chung một nhận định: Giảng dạy cho những đối tượng lớn tuổi gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Những học viên này đa số là những người từng trải, có kinh nghiệm và vốn sống, cảm nhận và đánh giá cũng khó khăn và tinh tế hơn sinh viên chính qui. Họ không thể chấp nhận một giảng viên dạy môn chuyên ngành PR ( Quan hệ công chúng ) vừa ngồi trên bàn vừa giảng về tư thế của người thuyết trình, hay dùng những ngôn từ như “ ngửi “ “ xóm nhà lá “ “trật tự” cho những đối tượng mà ngòai đời họ có thể phải gọi anh, gọi chú.

Anh P.H.T học viên lớp BCTC trường ĐH KHXH&NV cho biết: Anh vừa kết thúc môn logic học với điểm số 1. Điều làm anh buồn và suy nghĩ không phải vì điểm số mà là vì nhớ đến câu nói của giảng viên ngày đầu tiên đến lớp. Anh kể: Giảng viên nọ khi tự giới thiệu về mình, về môn học của mình đã tuyên bố một cách đầy tự hào rằng môn học của giảng viên ấy khi kết thúc học phần thì số người “ qua “ ( làm bài thi đạt yêu cầu ) chỉ không quá 50%. Anh nói: Tôi không hiểu ông ta tự hào về điều gì? Tự hòa về học vị TS logic của mình học hay tự hào về cách giảng dạy của ông hay đến mức học viên của ông từ chính qui đến tại chức đều phải kinh sợ khi nghĩ đến.

Một TS khác của khoa Báo chí Truyền thông chia sẻ: Phải nhìn nhận rằng kết quả học tập của học viên phụ thuộc và trách nhiệm của người giảng dạy, anh phải dạy như thế nào để họ biết cách tiếp cận chứ không phải dạy để họ học và rồi sao đó chẳng còn chút gì đọng lại.

Bên cạnh phương pháp giảng dạy, cách đánh giá thành quả học tập của các giáo viên đối với hệ đào tạo này dường như cũng còn gì đó chưa thật sự công bằng. Anh P.H.T nói thêm: Học viên luôn trân trọng và kính nể những giáo viên thật sự nghiêm túc và công tâm, họ sẳn sàng học lại để hiểu thấu đáo hơn về những gì chưa hiểu. Nhưng họ cũng thật sự bức xúc với những nghịch lý không thể giải thích như: có những học viên không biết gì về logic học lại được điểm cao, biết sơ sơ thì điểm thấp, biết nhiều quá thì điểm 1.

Không có nhận xét nào: